Thống kê của quận Tây Hồ ( Hà Nội) cho thấy đối với việc học online, tỉ lệ tham gia của bậc tiểu học là 94%, khối THCS là 97%.
Ảnh minh họa
Nếu trong tuần tới trở lại trường, việc đầu tiên của các thầy cô giáo là kiểm tra, ôn tập lại các kiến thức đã triển khai dạy online trong 3 tuần vừa qua. Đồng thời sẽ có biện pháp để kèm thêm các em HS tiếp thu bài trong thời gian học online chưa tốt…
Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Ngọc Oanh, Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết thời gian vừa qua, phòng, các nhà trường tổ chức tuyên truyền tới 100% phụ huynh HS tinh thần chỉ đạo dạy trực tuyến để phụ huynh phối hợp giúp đỡ con em mình trong giờ học. Giáo viên chủ nhiệm họp với phụ huynh để đăng ký giờ học trực tuyến. Trên cơ sở đó, nhà trường phân lớp dạy theo khung thời gian cho mỗi khối lớp.
Đối với các địa phương đường mạng yếu hoặc không có mạng, phòng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tăng cường nhiệm vụ học tập và kiểm tra việc học sinh thực hiện nhiệm vụ tại nhà. Giáo viên cũng quay lại phần bài giảng và gửi qua nhóm zalo để phụ huynh nắm bắt và hướng dẫn con em mình. Đ.ánh giá của phòng GDĐT huyện Ba Vì qua kiểm tra, dự giờ đột xuất cũng như ghi nhận từ các nhà trường cho thấy, HS tiếp cận tương đối tốt với hình thức học trực tuyến do có phụ huynh hỗ trợ và cùng ngồi học với các em.
Đối với lớp 9, các em sắp trải qua cuộc thi vào lớp 10 đầy căng thẳng. Từ giáo viên, cơ sở vật chất và thời gian học đều dành sự ưu tiên cho khối lớp này để 100% HS khối 9 có thể tham gia học trực tuyến đầy đủ và tiếp thu thuận lợi nhất. Vì vậy, khi trở lại học tập trung cũng không quá lo ngại.
Còn lớp 1, là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới nên cả thầy và trò còn nhiều bỡ ngỡ. Thống kê của huyện Ba Vì cho thấy có 5.655 HS và được bố trí dạy vào buổi tối từ 19h đến 21h để phụ huynh phối hợp hỗ trợ. Mỗi ngày, các em học từ 3 đến 4 tiết, chủ yếu học môn Toán và Tiếng Việt. Với 79 HS còn gặp khó khăn về phương tiện học trực tuyến, phòng cùng nhà trường, giáo viên tuyên truyền xã hội hóa để HS có phương tiện học tập, hoàn thành việc học trực tuyến cùng thầy cô và các bạn.
Làm sao để bảo đảm đầy đủ các nội dung của chương trình, cố gắng triển khai một năm học trọn vẹn đối với HS lớp 1 là mục tiêu không phải chỉ riêng của Ba Vì mà tất cả các địa phương cùng mong muốn bởi đây là khối lớp tiên phong triển khai chương trình GDPT 2018, rất cần những đ.ánh giá, tổng kết nghiêm túc, khách quan làm t.iền đề triển khai những năm sau này.
Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên-Huế Nguyễn Tân cũng cho biết, quan điểm của Sở là không để HS nào bị bỏ lại phía sau không chỉ trong mùa dịch này mà là trong suốt quá trình dạy học. HS không có phương tiện học online, học không hiểu, không hiệu sẽ được bố trí giáo viên dạy riêng, bổ túc lại kiến thức. Những HS có hoàn cảnh khó khăn sau dịch, nhà trường phải hỗ trợ, động viên, cương quyết không để một em HS nào phải bỏ học vì lý do hoàn cảnh.
Nhà trường hỗ trợ điện thoại cho học sinh học online
Giáo viên sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình học trực tuyến, nhiều thầy cô đã cho học sinh mượn điện thoại để học.
Lớp học trực tuyến cho học sinh lớp 1 của trường tiểu học Tòng Bạt
Là địa phương khó khăn nhưng hầu hết 300 học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì) đều được học trực tuyến trong thời gian này. Các buổi học, HS đều được phụ huynh hỗ trợ. Một số gia đình khó khăn, nhà trường đến tận nơi vận động, hỗ trợ cài đặt phần mềm. Nếu hôm nào, phụ huynh bận không vào được lớp online của con theo lịch thì được bố trí vào lớp kia ở khung giờ khác.
Còn tại Trường Tiểu học Tòng Bạt (huyện Ba Vì), nhà trường đã chỉ đạo tổ chức dạy học trực tuyến, triển khai đồng loạt, tất cả các bộ môn từ khối lớp 1 đến khối lớp 5 trong toàn trường ngay trong ngày đầu tiên bắt đầu nghỉ dịch từ ngày 1/2/2021.
Căn cứ theo chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT và của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường chỉ đạo các tổ khối lên kế hoạch dạy học tổng thể, thời khóa biểu, biên soạn nội dung các bài giảng ở tất cả các môn học như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, các môn năng khiếu khác với hình thức đa dạng phù hợp với từng môn học.
Các thầy cô hào hứng như quay video clip hướng dẫn gửi cho học sinh, tích hợp phần mềm tương tác trực tuyến Zoom Cloud Meeting. Tất cả thời gian học của các lớp dựa trên thống nhất của đa số cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm đảm bảo không một học sinh nào bị bỏ quên trong khi nghỉ phòng dịch covid-19.
Thầy Nguyễn Đức Hải – Hiệu trưởng trường tiểu học Tòng Bạt chia sẻ: Việc dạy học online của nhà trường còn gặp một số khó khăn như học sinh không có máy tính hoặc điện thoại, một số phụ huynh không thành thạo việc cài đặt, đường truyền Internet không ổn định. Do đó, giáo viên trong trường sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình học trực tuyến, nhiều thầy cô đã cho học sinh mượn điện thoại để học.
Mặc dù còn gặp một số khó khăn, nhưng với lòng yêu trẻ yêu nghề và tinh thần quyết tâm cao độ, tập thể cán bộ giáo viên Trường Tiểu học Tòng Bạt quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học online, giúp các em học sinh vừa đảm bảo an toàn qua mùa dịch, vừa tiếp thu được kiến thức mới của năm học.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nga – Hiệu trưởng trường TH Kim An (huyện Thanh Oai) chia sẻ: Hiện nay, việc học trực tuyến đã dần đi vào nền nếp. Nếu đợt học trực tuyến năm trước, chỉ có 70% HS lớp 1 tham gia học trực tuyến thì năm nay đã đạt gần 100%.
Nhà trường đã khắc phục bằng cách huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên cho HS hộ khó khăn, hộ nghèo mượn điện thoại để học. Những trường hợp nào khó khăn và bí quá, chúng tôi bố trí cho học nhờ nhà bạn gần nhà. Năm nay, có 2 trường hợp HS khó khăn được mượn điện thoại, đích thân hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà cài đặt và hướng dẫn phụ huynh sử dụng Zoom.
Ghi nhận cho thấy, bài giảng online được các giáo viên chuẩn bị chu đáo, điều chỉnh cách giảng cho phù hợp để HS nắm bắt và hiểu bài. Nhiều phụ huynh khi dự giờ đã thấy con mình được học thêm nhiều thứ bên ngoài chứ không chỉ mấy chữ trong sách giáo khoa lớp 1. Từ đó, nhiều phụ huynh đ.ánh giá cao nhà trường và trách nhiệm, uy tín của giáo viên cũng được nâng lên.
Cô giáo Trần Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) cho biết: Việc học trực tuyến của nhà trường dần đi vào ổn định và không gặp nhiều khó khăn. Có được những thành công này do sự nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên. Các thầy cô luôn giữ mối liên hệ với phụ huynh học sinh, trao đổi, ôn tập các kiến thức cũ cho học sinh qua các nhóm Zalo của lớp, in bài gửi cho học sinh, chữa bài và tương tác với học sinh, phụ huynh học sinh…
Để dạy trực tuyến cho học sinh, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên, giúp đỡ phụ huynh cài đặt và sử dụng phần mềm. Đối với những học sinh không có máy tính, điện thoại, các thầy cô đã cho học sinh mượn để học trực tuyến. Ban đầu phụ huynh học sinh còn bỡ ngỡ khi làm quen với phần mềm học trực tuyến nhưng với sự kiên trì hướng dẫn của các thầy cô, đến nay việc dạy và học trực tuyến của nhà trường đã đi vào nền nếp, có hiệu quả.