Nhu cầu có thân hình đẹp là chính đáng, đôi khi có lợi cho sức khỏe. Nhưng nếu làm sai phương pháp thì cũng gặp không ít rắc rối
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết việc tập luyện để có thân hình đẹp là điều tốt, bởi tình trạng thừa cân, béo phì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhiều mặt. Nhưng cái gì cũng phải có lộ trình, đặc biệt là ở người lớn t.uổi, người có vấn đề về cơ xương khớp thì không phải động tác nào cũng tập được.
Phải phù hợp sức khỏe
Bà Trần Mỹ L. (50 t.uổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) từ lâu đã phiền muộn vì tình trạng béo bụng của mình: người bà cỡ trung bình nhưng vòng 2 khá to. “Không những không đẹp mà còn hại sức khỏe. Người ta bảo “vòng bụng to ra, vòng đời ngắn lại”, hôm rồi đi khám sức khỏe, bác sĩ cảnh báo béo bụng là một dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa…” – bà L. cho biết.
Từ lời nhắc nhở của bác sĩ, bà L. quyết tâm lấy lại eo thon bằng bài tập gập bụng nhiều lần mỗi tối. Nhưng kết quả eo chưa thon, bà L. đã phải vào viện vì thoát vị đĩa đệm.
Còn M.L.L (16 t.uổi; ngụ quận 4, TP HCM) thì bị hạ đường huyết ngất xỉu, ngay khi đang chạy bộ tại công viên. Bác sĩ cho biết nguyên nhân là do L.L ăn kiêng khá ngặt nghèo lại tập thể dục quá sức vì bị bạn bè trêu chọc thân hình thừa cân. L.L xem trên mạng và bắt chước các cô người mẫu uống nước rau để “thanh lọc cơ thể”, nói với mẹ mang cơm lên phòng ăn vì bận học thi nhưng lén đổ bớt đi.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh cho biết: “Người có tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thì không thể tập những động tác như gập bụng hay các động tác yoga đòi hỏi gập người vì chỉ khiến bệnh nặng thêm. Người bị thoái hóa khớp gối thì phải tránh các động tác khiến đầu gối chịu lực nặng hay động tác yêu cầu đứng lên, ngồi xuống nhiều lần…”.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cảnh báo các thanh thiếu niên, đặc biệt là các cô gái t.uổi teen, thậm chí lớn hơn một chút tuyệt đối không được ăn kiêng quá nghiêm ngặt, vì có thể dẫn đến các hậu quả khó lường về sức khỏe.
Có chế độ ăn phù hợp và thói quen hoạt động thường xuyên, vòng 2 sẽ tự động cân đối (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Eo vẫn có thể nhỏ
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý chế độ ăn phù hợp cho một người muốn tập luyện giảm cân là một bữa ăn cân bằng các nhóm tinh bột, đạm, béo, chất xơ và các vitamin với lượng vừa đủ no. Thứ cần kiêng là các loại đồ ăn vặt, đồ ăn ngọt. Đặc biệt ở t.rẻ e.m, việc thiếu chất khi đang dậy thì còn có thể ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển thể chất, sinh lý. Vì vậy hãy giảm cân bằng thể dục chứ không phải bằng nhịn ăn.
“Ví dụ như chiều cao, trẻ ở t.uổi tiền dậy thì, dậy thì sẽ phát triển nhanh nhất, sau đó quá trình vẫn có thể kéo dài vài năm sau t.uổi 20. Nếu trong những năm đang phát triển chiều cao mà ăn thiếu chất thì sau này muốn cao lên thêm cũng không được nữa. Thể dục tuy có thể hỗ trợ phát triển chiều cao nhưng phải đủ dinh dưỡng, đừng nghĩ chỉ uống canxi là đủ cao” – bác sĩ Tiến cảnh báo.
Bác sĩ Tiến cũng khuyên phụ huynh nên để ý, khuyên bảo các cô cậu t.uổi teen khi quá lo lắng về vòng eo của mình. Thành bụng của t.rẻ e.m không chắc chắn như người lớn, đến t.uổi dậy thì, thành bụng mới dần vững chắc nên việc bụng trông hơi to khi còn nhỏ, trong t.uổi dậy thì là điều bình thường.
Người lớn t.uổi cũng là đối tượng đáng quan tâm bởi với cơ thể khó hấp thu, chuyển hóa không tốt như người trẻ, việc ăn kiêng quá gắt càng dễ dẫn đến thiếu chất, gây nên đủ thứ bệnh.
Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh nhắn nhủ mọi người, nhất là người lớn t.uổi, nên thay đổi các bài tập thường xuyên hoặc tập các môn toàn thân như bơi lội, đạp xe… Với một cân nặng khỏe mạnh, thói quen hoạt động thường xuyên, vòng 2 sẽ tự động cân đối.
Một trong những yếu tố gây béo bụng mà không ít người hiện nay mắc phải chính là nguyên nhân làm những công việc phải ngồi lâu, ngồi nhiều. Tư thế ngồi bất động khiến cơ bụng “thất nghiệp” và kích thích tình trạng tích mỡ. Ngồi lâu còn liên quan đến các bệnh tim mạch. Vì vậy, cần tập thói quen làm việc một lúc, 30-45 phút chẳng hạn, đứng lên vận động trong ít phút, chỉ cần như vậy cũng khiến vòng eo nhỏ lại đáng kể.
Nhận biết hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay, hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay hoặc hội chứng chèn ép thần kinh giữa, cần được phân biệt với tình trạng yếu vận động do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Hình ảnh dây thần kinh giữa bị chèn ép – TƯ LIỆU BV HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Theo Th.S-BS Trịnh Văn Hà, thuộc Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), hội chứng ống cổ tay do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó có nguyên nhân nghề nghiệp như: những nhân viên văn phòng phải làm việc bằng tay liên tục duy trì ở một tư thế cố định trong một thời gian dài, hoặc liên quan tới một số cơ địa đặc biệt như: béo phì, đái tháo đường…, nhiều trường hợp vô căn. Phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Hội chứng ống cổ tay thường có các triệu chứng như: ngứa hoặc tê ở ngón tay, bàn tay. Cảm giác này có thể lan từ cổ tay lên cánh tay. Những triệu chứng bệnh thường xảy ra rõ rệt khi lái xe, dùng điện thoại, đọc báo, hoặc trong khi ngủ.
Tình trạng bị tê, ngứa hoặc yếu ở bàn tay và cổ tay xảy ra do các dây thần kinh giữa bị chèn ép. Dây thần kinh này giúp nhận biết cảm giác tại ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Do đó, triệu chứng của bệnh là biểu hiện tê, “kiến bò” các đầu ngón tay, nhưng chủ yếu 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Cũng do tình trạng tê ở tay hoặc yếu cơ ngón tay cái nên bàn tay có thể trở nên yếu và không thể cầm nắm đồ vật.
“Để chẩn đoán bệnh, ngoài thăm khám trực tiếp của bác sĩ, cần phải làm thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ cột sống cổ để loại trừ chèn ép thần kinh do thoát vị đĩa đệm cổ. Điện chẩn cơ là phương pháp đơn giản có thể xác định hội chứng ống cổ tay cũng như loại trừ các nguyên nhân khác”, BS Hà cho biết.
Theo BS Trịnh Văn Hà, trong điều trị hội chứng ống cổ tay, ở độ nhẹ, người bệnh cần thay đổi tư thế cổ tay, tránh làm việc liên tục, đeo nẹp cố định cổ tay, tập vật lý trị liệu kéo giãn thần kinh, hoặc dùng các thuốc chống viêm, giảm đau. Khi tình trạng bệnh nặng, không đáp ứng với các biện pháp trên, người bệnh sẽ được xem xét phẫu thuật, cắt dây chằng ngang cổ tay, giải phóng chèn ép cho thần kinh. Phẫu thuật có thể thực hiện bằng phương pháp nội soi hoặc mổ mở.